Tuy bước đầu triển khai thực hiện thí điểm mô hình trồng cây ngô ngọt gặp không ít khó khăn nhưng đến nay mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao tại xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Xã An Hòa nằm phía đông nam huyện Quỳnh Lưu, cách Thị trấn Cầu Giát khoảng 7 km. Người dân nơi đây có truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động với nhiều nghề truyền thống như làm nông nghiệp, làm muối và đánh bắt thủy sản.
Với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp, xã An Hòa đã phát huy thế mạnh của địa phương, tổ chức sản xuất gắn với mô hình các Hợp tác xã, tiêu biểu là Hợp tác xã nông nghiệp Bút Lĩnh.
Với 1.500 hộ thành viên, tổng diện tích canh tác 60 ha, trong đó có 35 ha diện tích đất chiêm trũng, chuyên canh tác lúa mỗi năm 2 vụ, 25 ha diện tích đất đồng cao khô cằn không thuận tiện cho việc canh tác lúa.
Là địa bàn cuối nguồn nước của kênh 24 từ Huyện Đô Lương về nên hàng năm không đủ nước tưới cho 2 vụ lúa xuân và hè thu. Chưa kể, vùng đất chiêm trũng nên hạn hán thường xuyên xảy ra, nhiều vụ sản xuất không có thu hoạch vì thiếu nước tưới.
Biết rằng các loại cây trồng trên năng suất thấp, giá trị kinh tế không cao nhưng phù hợp với điều kiện đặc thù nắng hạn. Nếu chỉ canh tác năm 2 vụ lúa ở 25 ha đất vùng đồng chiêm trũng, thuận lợi nước tưới thì không đủ lương thực cho nhân dân trong xã, chưa nói đến cung cấp lương thực, trao đổi hàng hóa ra thị trường, đời sống các thành viên hợp tác xã gặp nhiều khó khăn.
Với những suy nghĩ và trăn trở trên, các thành viên của hội đồng quản trị hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bút Lĩnh quyết đưa 25 ha đất đồng cao vào canh tác cấy lúa bất chấp việc phải lo chi phí mua máy bơm nước xách tay, chi phí xăng dầu bơm nước vào ruộng, chưa nói đến công sức bỏ ra. Có những khi người dân phải thức ngoài ruộng đến tận 12 giờ đên, 1-2 giờ sáng để kịp lấy nước.
Nhưng lúa canh tác ở vùng đồng cao thiếu nước nên năng suất thấp hơn ở vùng đồng chiêm trũng. Hơn nữa thời tiết không thuận lợi, biến đổi khí hậu cực đoan nắng hạn, mưa lụt, giông bão xảy ra thất thường, không theo quy luật như trước đây làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng.
Năm 2015 - 2016 Công ty trách nhiệm hữu hạn ở tỉnh Thanh Hóa (Nông trường Văn Du) thu mua cây hanh hao làm nguyên liệu chế biển thuốc thảo được. Lúc này Hội đồng quản trị hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bút Lĩnh đã cử cán bộ tham quan thực tế.
Thấy cơ sở vật chất của công ty rộng lớn, văn phòng sang trọng lại nằm trên đường tỉnh lộ Thanh Hóa từ Huyện Thạch Thành đi Bỉm Sơn nên sau khi thỏa thuận ký hợp đồng công ty đã cấp cây giống. Được hợp tác xã phổ biến kỹ thuật trồng lại được công ty cam kết bao tiêu sản phẩm với giá trị kinh tế cao nên người dân vui mừng phấn khởi bắt tay vào trồng.
Đáng tiếc khi thu hoạch công ty đã không thu mua như ký kết ban đầu, làm thiệt hại chi phí sản xuất, người dân mất niền tin vào các thành viên hợp tác xã.
Mặc dầu đã có nhiều hướng đi tháo gỡ khó khăn, nhưng đều thất bại, Hội đồng quản trị hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bút Lĩnh vẫn không nản chí, tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị bàn bạc hướng đi trong sản xuất nông nghiệp.
Nhiều hội nghị đã đưa ra liên quan việc canh tác trên khu đất 25 ha đất đồng cao. Cuối cùng, sau nhiều lần bàn tính, Hợp tác xã nông nghiệp Bút Lĩnh đã mạnh dạn đưa mô hình cây “ngô ngọt xuất khẩu" về trồng thí điểm. Cây ngô là loại cây chịu được nắng hạn, chi phí sản xuất thấp. Vì thế qua nhiều lần tìm kiếm thị trường bao tiêu sản phẩm ngô ngọt, Hội đồng quản trị hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bút Lĩnh đã ký kết với công ty Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) về việc thu mua sản phẩm.
Bước đầu triển khai thực hiện thí điểm mô hình trồng ngô ngọt gặp không ít khó khăn vì người dân bán tín bán nghi khi bài học về cây hanh hao vẫn còn đó.
Tử tình hình trên, hội đồng quản trị hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bút Lĩnh xác định mô hình “cây ngô ngọt" là hướng đi đúng, chắc chắn có hiệu quả kinh tế cao, từ đó tổ chức rất nhiều cuộc họp thành viên trong hợp tác xã, tuyên truyền thông suốt chủ trương thí điểm.
Đồng thời hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bút Lĩnh tổ chức cho 10 người có uy tín đại diện cho các thành viên hợp tác xã đi tham quan công ty Đồng Giao để được "tai nghe, mắt thấy".
Với sự kiên trì cùng công tác “dân vận khéo", Hội đồng quản trị hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bút Lĩnh đã làm lay chuyển tư tưởng, tư duy các thành viên thông suốt tin tưởng vào thành công của mô hình cây ngô ngọt xuất khẩu, bắt tay vào sản xuất. Hội đồng quản trị hợp tác xã đã quy hoạch 25 ha đất vùng đồng cao thành vựa trồng cây ngô ngọt. Bằng ý chí quyết tâm của hội đồng quản trị và xã viên, năm 2020, 1 ha thí điểm đã cho sản lượng đạt 14 tấn/2 vụ/năm, giá trị trừ chi phí thu về 59.000.000 đồng/ha/02 vụ/năm.
Nếu cùng một đơn vị diện tích sản xuất lúa, năng xuất cao nhất cũng chỉ đạt 6 tấn/2 vụ/ha/năm trừ các khoản chi phí máy cày đất, máy gặt lúa, phân bón thuốc trừ sâu... giá trị thu về chỉ còn 16.000.000 đồng/ha/2 vụ/năm. Như vậy mô hình trồng cây ngô ngọt xuất khẩu giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích cao gấp 3,6 lần so với canh tác trồng lúa nước.
Từ kết quả thí điểm thành công, các thành viên hợp tác xã hấy được hiệu quả cao của mô hình trồng cây ngô ngọt xuất khẩu hơn hẳn trồng lúa từ đó đã tin tưởng vào sự thành công của mô hình cây ngô ngọt xuất khẩu. Vì thế, năm 2023 hợp tác xã đã quy hoạch hết diện tích 25 ha đất đồng cao vào trồng cây ngô ngọt. Sản lượng bình quân năm đó đạt từ 14 – 14,5 tấn/ha/năm, giá trị kinh tế bình quân đạt từ 57,5 - 58 triệu đồng/ha/năm và được Công ty Đồng Giao thu mua hoàn toàn.
Thành công của mô hình “Trồng cây ngô ngọt” của Hội đồng quản trị hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bút Lĩnh đã lan tỏa và nhân rộng sang hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng - xã An Hòa. Hợp tác xã này đã quy hoạch 10 ha đưa vào sản xuất mô hình trồng cây ngô ngọt đạt hiệu quả kinh tế cao.
Từ thành công của mô hình, điển hình “dân vận khéo" của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bút Lĩnh có thể thấy, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật phù hợp với thực tiễn, chọn giống cây trồng cho phù hợp với thổ nhưỡng đồng đất là rất quan trọng. Ngoài ra cần sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nông, Nhà khoa học, Doanh nghiệp thu mua.
Trong điều kiện dân trí ngày càng cao, đòi hỏi cán bộ phải có tâm, có tầm, phải có năng lực thật sự, dám đổi mới tư duy, tìm kiếm những mô hình cây trồng mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao để nhân dân ứng dụng sản xuất, đó là điều thiết thực nhất hiện nay của mỗi cán bộ, đảng viên đã và đang học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống quần chúng nhân dân .
Nguyễn Ngọc Mạnh (xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An)
Nguồn giadinhonline.vn