Thương lắm bóng dáng buồn mênh mông của cha

  • 02/01/2024 09:08:31

Tôi không biết dùng từ gì để miêu tả về cha. Với tôi, dù cha không giàu và không hoàn hảo, cha vẫn là người cha đặc biệt và tuyệt vời nhất trong tôi.

Cha tôi là một chàng trai xứ Bắc, theo đoàn giáo viên vào chi viện cho miền nam những năm 1983. Và với một cơ duyên nào đó, cha dừng chân tại một trường trung học nhỏ ở quê tôi, cưới mẹ tôi và ở lại

Ngày ấy cha tôi dạy ngày một buổi. Buổi còn lại cha tôi theo mẹ ra đồng. Tuổi thơ trong tôi là những chiều cha cõng tôi đi qua một đoạn khá dài mới đến được ruộng nhà mình. Tôi ngồi sau lưng cha. Bờ lưng gầy và xương chẳng có một chút mềm mại êm ái nào. Tôi xòe tay ôm lấy lưng cha. Sao cha gầy thế mà lưng cha lại ấm áp như bầu trời

Ruộng nhà tôi chỉ có một khoảnh nhỏ, làm mỗi mùa cũng chỉ đủ lúa để xay gạo ăn. Lương cha ba cọc ba đồng nên gia đình tôi những năm ấy vô cùng túng thiếu. Ngoài căn nhà lá được xây trên mảnh đất nhỏ bà ngoại cho, gia tài của cha ngày ấy chỉ có mỗi một chiếc xe đạp. Mỗi lần đi họp ở xa ngoài thành phố, cha cặm cụi đạp xe dưới cái nắng như đổ lửa chở tôi đi cùng. Con xe Nhật kêu cót két, nặng nề. Cha là người duy nhất trong những cuộc họp phải đạp xe một quãng đường xa. Người ta vẫn hay nhìn cha tôi trêu, cười. Tôi ngồi phía sau, thương cha, ngậm ngùi…

Thương lắm bóng dáng buồn mênh mông của cha

Ảnh minh họa.

Thỉnh thoảng, cha cũng có dạy thêm cho học sinh. Ngày ấy, nhà học sinh nào cũng nghèo nên cha thường chỉ dạy miễn phí. Mỗi buổi chiều tôi thường ngồi bên ngoài sân trường chơi một mình, lắng nghe tiếng cha đều đều phát ra từ gian lớp nhỏ

Nhà tôi thuộc diện nghèo. Mẹ tôi làm nông gặp những mùa thất bát, giá nông sản rẻ như cho nên mọi chi tiêu trong nhà đều trông cậy vào lương cha. Có những hôm túng quá cha đành phải đi vay mượn của người ta. Những người hàng xóm tốt bụng thường cho chúng tôi vay đến khi cha có lương sẽ trả. Cũng có những người xua tay lạnh lùng và nói những lời cay đắng…

Tôi từ khi sinh ra đã suy dinh dưỡng nên hay đau ốm. Mẹ tôi sau hai lần sảy thai đã trở thành một người đàn bà gầy yếu. Có những đêm cha thức trắng chăm sóc tôi mà không nỡ gọi mẹ dậy. Những bữa cơm hiếm hoi có thịt, cha bảo cha không thích ăn nên tất cả đều dành cho mẹ và tôi. Nói là thịt nhưng đó là phần thịt nọng rẻ tiền của con lợn, 3 phần thịt mà lại tới 7 phần mỡ. Tôi ngán chỉ muốn nhè ra, vậy mà cha chấm rau với nước kho, ăn ngon lành. Ăn xong cha lại tất tả trong bóng đêm đen đặc, len lỏi trong vườn để cắm câu kiếm con cá cải thiện bữa cơm. Nhiều hôm không câu được con cá nào, nhìn mâm cơm chỉ vỏn vẹn lau ruộc và tương, mắt cha lại buồn xa xôi, đỏ ửng.

Tôi là đứa trẻ hay nghịch ngợm và cá tính nên một lần tôi suýt nữa tôi bị xe tông vì không nhìn kỹ lúc sang đường. Đó là lần đầu tiên cha la mắng tôi. Lúc ấy trông cha thật dữ tợn. Cha mắng tôi bằng những từ ngữ nặng nề tôi chưa từng nghe cha mắng ai bao giờ. Tôi giận cha. Cả ngày hôm đó tôi không ăn cơm mà rúc ở sau nhà. Dù cha cố làm lành, tôi vẫn quay ngoắt đi, giận hờn, xa cách. Đêm đó, cha ngồi đơn độc bên trang giáo án, ánh mắt cha buồn thênh thang, mẹ tôi len lén bảo vì cha thương tôi nên mới mắng. Tôi ngẩn người, tôi bò lại ôm chân cha ngủ khì, tôi không còn giận cha nữa.

Mùa mưa bão, căn nhà lá mục khiến nước mưa len vào những lỗ thủng dột ướt cả giường nằm. Cả nhà tôi ngồi nép ở một góc giường. Cha ôm tôi lọt thỏm trong lòng. Tôi sợ sấm sét, sợ cơn mưa lạnh buốt nuốt chửng nhà mình. Chúng tôi nhìn cơn mưa dội mướt xung quanh. Cha bảo để khi nào có tiền, cha xây cho con gái ngôi nhà thật đẹp. Cha nói xong khẽ thở dài chợt nhớ đồng lương ba cọc ba đồng của mình…

Năm tôi lên mười tuổi, bà nội tôi mất. Cha tôi đang dạy ở trường. Hết giờ dạy học, cha như một người thất thần, chưa kịp về đến nhà đã nghe cha vừa khóc vừa gọi bà. Tiếng khóc đau đớn, sâu thẳm, quặn thắt đến xé lòng. Dù tôi vẫn còn là một đứa trẻ, tiếng khóc của cha len sâu vào lòng tôi, khiến tôi ngỡ ngàng, khó tả. Cha tôi bôn ba nơi xa xôi để dành tiền mãi nhiều năm vẫn chưa có dịp trở về nhà. Nhưng thời gian tàn nhẫn…

Đêm đó cha tôi vội vã lên tàu. Mẹ tôi vét mãi hết số tiền còn lại trong nhà cũng chỉ vỏn vẹn mấy trăm ngàn. May sao những thầy cô giáo tốt bụng dạy cùng trường đã gom góp lại cộng thêm vay mượn một ít mới đủ tiền cha về quê. Cha chỉ kịp dặn dò mẹ con tôi vài thứ rồi tất tả đi. Bóng dáng cha năm ấy gầy trơ xương, ngồi trên chiếc xe ôm rời đi in sâu vào trong lòng tôi. Nhưng lúc sau cha tôi về vì năm ấy tàu xe còn hạn chế, phải đến tối mới có được chuyến xe lên Sài Gòn, còn đi một quãng mới đến được ga mua vé tàu. Buổi chiều hôm đó cha tôi thất thiểu mong thời gian trôi thật nhanh. Bóng cha tủi buồn khoác ba lô đi trong đêm đen lầm lũi. Tôi thấy lòng mình nặng nề sâu hoắm. Có lẽ tôi sẽ không thể nào hiểu hết được nỗi buồn năm ấy của cha…

Hồi nhỏ tôi có thói quen viết nhật ký nên hình ảnh cha tôi khóc thương bà đã để lại trong thâm tâm tôi một nỗi buồn vô tận. Lần đầu tiên tôi viết tất cả tình cảm của mình với cha vào quyển nhật ký. Sợ cha trông thấy, tôi xé những trang giấy vừa viết giấu tận gầm giường. Vậy mà một ngày cha phát hiện ra, cha chậm rãi đọc xong rồi lẳng lặng đem đi cất. Những tờ giấy rách rưới đầy bụi, cha vuốt phẳng phiu rồi cất kỹ trong tủ. Không hiểu sao từ đó, dù tôi có nghịch ngợm và làm sai chuyện gì, cha chẳng còn la mắng tôi như trước

Rồi thời gian trôi. Cha mẹ tôi cũng dành dụm xây lên được một ngôi nhà mới dù nhỏ nhưng khang trang. Gia đình chúng tôi cũng dần ổn định. Tôi lớn lên, bắt đầu đi học xa nhà. Ngày cha đưa tôi lên Sài Gòn, tóc cha đã bắt đầu điểm bạc. Chiếc xe buýt chở cha con tôi len lỏi trong thành phố, tiến về khu nhà trọ sinh viên ngổn ngang. Đột nhiên trên chuyến xe đông người chật chội, hình ảnh cha tôi ngồi lọt thỏm với đôi mắt buồn mênh mông một lần nữa xoáy vào tận trong tim tôi. Tôi đột nhiên thấy cha nhỏ nhoi giữa bao người, buồn xao xác. Đột nhiên lúc đó, tôi thèm khát được ôm lấy cha và bảo rằng tôi không muốn rời khỏi cha nữa. Tự nhiên tôi muốn khóc, muốn được trở về làm đứa con gái nhỏ vô tư năm nào được ngồi ôm lấy lưng cha nhễ nhại mồ hôi đạp xe trên quãng đường xa tít tắp…

Mỗi lần lên thành phố thăm tôi, cha chỉ ở lại một chút rồi về. Lần nào trước khi lên xe về quê, cha cũng dúi vội vào tôi thêm một ít tiền tiêu vặt. Đôi mắt cha tự lúc nào cũng đã len kín những nếp nhăn. Chiếc xe chở cha rời đi, tôi đứng chôn chân, một mình, thương cha vô hạn. Chiếc áo tôi mua cho cha trong tháng đi làm thêm đầu tiên đã cũ, vậy mà cha vẫn thích, mặc hoài…

Tôi ra đời, bắt đầu đi làm, trải qua bao bươn chải thăng trầm trong cuộc sống. Có lúc thành công, có lúc thất bại và cũng bị nhọc nhằn vùi dập vài lần. Có những lần cha con bất đồng quan điểm, tôi cãi nhau với cha, hờn cha, trách cha không hiểu. Nhưng khi nhìn thấy cha ngồi buồn bã một mình lặng lẽ ngoài hiên, tôi ân hận. Tôi không dám nói lời xin lỗi cha. Tôi lại trốn ở sau nhà, và cha một lần nữa vẫn như năm tháng tôi còn bé thơ nhỏ dại, cha lại đi tìm tôi. Cha lại xoa đầu và cười xuề xòa nói những lời làm hòa ấm áp. Lúc cha quay lưng đi, bóng lưng cha còng còng, nhận ra cha già hơn, tôi bật khóc…

Giờ đây, đã 63 tuổi nhưng cha tôi vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Đã về hưu nhưng cha tiếp tục nhận làm trong hội khuyến học. Bình thường cha quan tâm và đi vận động giúp đỡ những em học trò có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục việc học. Đôi khi cha còn bỏ thêm tiền túi của mình để đóng góp vào quỹ tặng quà cho các em học sinh nghèo. Mỗi lần về nhà, được chở cha đi đâu đó. Cha ngồi sau lưng tôi, cười vui như đứa trẻ.

Tôi và cha chưa bao giờ nói với nhau những lời ngọt ngào. Tôi cũng chưa bao giờ nói ra được thành lời ba chữ “Con thương cha” như những người con khác trên thế giới này. Nhưng trong tôi, cha là người cha tuyệt vời nhất, người cha khiến tôi tự hào, là người cha đã cho tôi những gì đẹp đẽ và quý giá nhất trong cuộc đời này…

Cảm ơn cha!

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"Tác giả: Tường LinhĐịa chỉ: 67 Lê Văn Lương, Phước Kiển, Nhà Bè, TP. HCM

Ban tổ chức

Nguồn giadinhonline.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Thương lắm bóng dáng buồn mênh mông của cha - Đời Sống

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều