Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được họa sĩ Lê Lâm dạy vẽ hình khối hai buổi, sau đó ông mày mò, vẽ theo bản năng.
Người thổi sáo - triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Quang Thiều - trưng bày 53 bức tranh nhiều chất liệu như sơn dầu, màu nước, pastel - khai mạc ngày 7/1. Hầu hết tác phẩm được ông vẽ ba năm trở lại đây. Cầm cọ 16 năm trước, khi đã ở tuổi 48, Nguyễn Quang Thiều không vẽ theo khuôn phép, vận dụng kỹ thuật mà hoàn toàn dựa vào bản năng.
Ông nói: "Tôi không phải một họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị". Trong căn phòng làm việc ở Hội Nhà văn, trước các bức tranh được in, đóng thành quyển đẹp đẽ, Nguyễn Quang Thiều mơ màng kể về hành trình trở thành "nô lệ" của những mảng màu.
Một tác phẩm trong triển lãm "Người thổi sáo" của Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Năm 2005, dịch giả, họa sĩ Phạm Long Quận từ Cuba về, gửi ở nhà ông rất nhiều toan, tranh và màu vẽ. Một buổi trưa, ông tò mò, bóp nhẹ một tuýp màu vàng lên toan. Sắc màu rực rỡ và lộng lẫy ấy ám ảnh tâm trí ông. Nghe Phạm Long Quận nói về hội họa, ông cảm thấy như bị thôi miên, bắt đầu sáng tác. Năm tháng sau khi cầm cọ, tháng 5/2005, Phạm Quang Thiều được nhà văn Hoàng Minh Tường kéo vào tham dự triển lãm Nhà văn vẽ cùng Trần Nhương, Đoàn Lê, Đỗ Minh Tuấn. Ông trưng bày 14 tranh, bán được 11 bức, tặng bạn bè ba bức. Số tiền bán tranh giúp ông mua cho bố mẹ ngôi nhà nhỏ hai tầng ở làng Chùa (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Thế nhưng ông nghỉ vẽ vì nghĩ mình không được học hành bài bản, quá lớn tuổi để học lại từ đầu.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957 tại Hà Nội. Ông từng nhận hơn 20 giải thưởng văn học trong nước và quốc tế, trong đó có giải của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa (1993). Ngoài ra, ông là tác giả của nhiều kịch bản sân khấu, điện ảnh và hơn 500 bài bút ký, tiểu luận. Hiện ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Hòa Nguyễn.
Nguyễn Quang Thiều vẽ trở lại nhờ cuộc gặp gỡ với ông Trịnh Văn Sĩ - một thành viên của nhóm Nhân sĩ Hà Đông - bảy năm sau đó. Tại nhà ông Sĩ, Nguyễn Quang Thiều sững sờ khi thấy các bức tranh giấy của ông được đóng khung, treo trang trọng. Ông Sĩ kể các tác phẩm được nhà thơ Dương Kiều Minh trao cho ông vài tuần trước khi qua đời cùng lời nhắn: "Ông Thiều vẽ những bức tranh này rồi vứt đi. Tôi nhặt và giữ lại. Giờ tôi không thể sống lâu được nữa. Tôi đưa lại cho bác".
Câu chuyện khiến Nguyễn Quang Thiều cảm động, nhớ về những buổi chiều hàn huyên với nhà thơ Dương Kiều Minh. Những lúc ấy, Nguyễn Quang Thiều hay vẽ lên giấy bằng phấn sáp, mực màu. Ông vẽ xong rồi chẳng để tâm vì nghĩ đó giống như trò nghịch ngợm của một đứa trẻ, không ngờ được Dương Kiều Minh cất giữ. Sau cuộc trò chuyện, ông Trịnh Văn Sĩ đề nghị Nguyễn Quang Thiều vẽ tặng một bức tranh để treo trong nhà thờ tổ. Nhà thơ đi mua một tấm toan, vài tuýp sơn dầu nhỏ như đầu ngón chân. Bức Người thổi sáo đầu tiên ra đời.
Sau này, khi theo đuổi hội họa, Nguyễn Quang Thiều từng nghĩ đến việc học hành bài bản. Họa sĩ Lê Lâm đi mua vài cái hộp, hình khối, dạy ông học ký họa trong hai buổi trưa. Sau đó, Nguyễn Quang Thiều bỏ dở vì cảm thấy gò bó. Ông nhận mình giỏi "học mót", có thể học hỏi thủ pháp của các danh họa thế giới cũng như bạn bè họa sĩ. Ông kể: "Nhiều lần, khi vẽ xong, tôi giật mình: Thôi chết, mình vẽ cái cây này giống anh Lê Thiết Cương quá. Tôi xóa vội đi ngay. Bản sao không bao giờ có thể sánh được bản chính nên tôi đặt áp lực phải vẽ khác mọi người. Anh Lê Thiết Cương thường nói với tôi: 'Anh đừng vẽ giống y hệt sự việc. Nếu vậy, chỉ cần lấy máy ảnh hay điện thoại chụp lại là xong. Tranh phản ánh một góc nhìn khác của họa sĩ".
Nguyễn Quang Thiều vẽ nhiều cây sáo không có lỗ, ẩn dụ về những âm thanh chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Ảnh: Nhân vật cung cấp. Người thổi sáo, những chiếc bình gốm và màu vàng ám ảnh trong các tác phẩm hội họa của Nguyễn Quang Thiều. Những hình ảnh đó gắn với tuổi thơ ông. Trong ký ức của Nguyễn Quang Thiều, mẹ ông trữ đầy bình gốm trong góc bếp. Gạt đi lớp tro bụi, những chiếc bình lộ ra đủ loại hoa văn, màu vàng hoặc lam nhạt. Khi mở nắp, cậu bé Nguyễn Quang Thiều khi ấy ngây ngất vì mùi chua nồng của dưa, cà muối, mùi thơm của mắm. "Đó là những ký ức mà những chiếc hộp silicon ngày nay không thể lưu giữ được", Nguyễn Quang Thiều trầm ngâm. Còn màu vàng trong ký ức của ông là những khóm hoa cải nở rộ rau vườn, đống rơm to trước nhà hay những cánh đồng lúa chín vàng ươm.
Người thổi sáo là một kỷ niệm đặc biệt với Nguyễn Quang Thiều. Mười mấy năm trước, ông thường ngồi uống cà phê một quán quen ở Hà Đông. Một buổi sáng, ông gặp người thổi sáo mù, mặc quần áo tối màu, đeo một chiếc mũ lá sau lưng. Dáng vẻ của ông tựa một hành khất từ trên núi. Không giống nhiều người chơi đàn, hát rong có sự trợ giúp từ các bản ghi điện tử, người thổi sáo mù chỉ mang độc một cây sáo trúc. Khi đi qua chỗ nhà văn ngồi, ông thổi một bài dân ca. Khi người này định đi, Nguyễn Quang Thiều kéo ghế mời ông ngồi, đề nghị thổi một khúc ca bất kỳ mà ông thích. Khi nhìn ông lùi lại một bước, đứng gần gốc cây bàng đỏ lá mùa đông, nâng sáo lên thổi, Nguyễn Quang Thiều nói ông nhìn thấy một đôi mắt khác vừa mở trong chính đôi mắt mù. Lúc ấy, nhà thơ đang đau khổ vì nhiều chuyện trái ý trong cuộc sống. Và điệu sáo trúc bay bổng xua tan mọi muộn phiền trong tâm trí nhà thơ. Nhiều ngày sau, Nguyễn Quang Thiều trở lại quán cà phê nhưng không gặp được người thổi sáo mù. Hình ảnh đó trở thành nỗi ám ảnh, cứ thế trở đi trở lại trong tranh của ông.
Hà ThuTrở lại Giải tríTrở lại Giải tríChia sẻ ×
Nguồn vnexpress.net