Hơn 12 năm qua, từ khi lập gia đình, nhớ lời dạy của má “chịu cực nấu nướng chăm sóc sức khỏe chồng con, bếp ấm nhà mới vui”, nên dù bận rộn, Ngọc vẫn luôn sắp xếp, dành thời gian nấu ăn.
Nhà gần chợ nên Ngọc thường dậy sớm mua thịt cá, rau củ sơ chế trữ trong tủ lạnh, khi cần là có sử dụng ngay. Ngọc thường hỏi ý chồng con thích ăn gì để nấu hợp khẩu vị nên bữa cơm lúc nào cũng vui. Nhiều khi vừa dọn cơm lên, các con đã hỏi mai mẹ cho ăn món gì, rồi nịnh mẹ nấu ngon nhất. Nhìn các con ăn nhiều, khỏe mạnh, lên cân, Ngọc càng có động lực để học hỏi nấu những món ngon hơn.
Ảnh minh hoạ
Ngoài những bữa cơm thông thường, Ngọc cũng hay thay đổi thực đơn như làm xôi mặn, bánh bông lan, các loại cháo, bánh canh… vừa ăn vừa biếu hàng xóm lấy thảo.
Những ngày cuối tuần, chồng Ngọc thay vợ vào bếp, các con xúm xít phụ cha, bữa cơm vì thế cũng “chất lượng” hơn vì gia vị nêm nếm có cả tình yêu thương mọi người dành cho nhau.
Theo thời gian, bữa cơm làm vợ chồng, con cái thêm gần gũi, chồng Ngọc bớt đi nhậu để dành thời gian về nhà ăn cơm chung. Bữa cơm thêm vui khi các con kể chuyện trường lớp, bạn bè, vợ chồng Ngọc thêm hiểu tính cách, sở thích của con, cùng hợp tác dạy con cách ăn nói, cư xử… Các con ngoan, học giỏi vun đắp gia đình nhỏ thêm ấm áp.
Nhớ hồi đó, dù đi đâu, chị em Ngọc cũng nôn nóng về ăn cơm với má. Mâm cơm đâu có gì cao sang, chỉ là mớ cá, ốc ba bắt ngoài ruộng, má kho quẹt với tép mỡ ăn kèm canh rau tập tàng hái trong vườn mà bữa cơm nào cũng sạch nồi vì má nấu rất ngon. Ba cũng rất mê cơm nhà của má, trước khi đi đám tiệc, thường dằn bụng trước một chén. Ba rất tự hào về má và nhắc các con học hỏi để chăm lo gia đình riêng sau này.
Theo gương má, chị em Ngọc gìn giữ nếp nhà bằng sự vén khéo, hòa thuận và ai cũng có khả năng đóng vai trò “bếp trưởng”. Khi nhà có đám tiệc, mỗi người có dịp trổ tài “món ruột”, anh chị em ăn uống, khen nhau, nghĩa tình thêm đong đầy…
Đối với Ngọc, gian bếp là nơi giữ lửa hạnh phúc nên hết sức chăm chút để có những món ăn đảm bảo vệ sinh, bổ dưỡng cho người thân. Nhà yên vui thì bếp mới nồng đượm yêu thương, mỗi bữa cơm là sự kết nối, nhân lên tình cảm gia đình.
Không chỉ là những bữa cơm gia đình, qua những bữa ăn được chuẩn bi chu đáo và những câu chuyện trên mâm cơm Ngọc tin rằng mai sau các con lớn lên sẽ nhớ về tổ ấm của mình với những kỷ niệm sum vầy ngọt ngào trong gian bếp.
-> Bữa cơm 100K của sinh viên Hà Nội giữa thời “bão giá”
Cát Tường
Nguồn giadinhonline.vn